Cha mẹ nào mà chẳng muốn con mình lớn lên trở thành người có giáo dục, lịch sự. Văn hóa giao tiếp là một trong những khía cạnh quan trọng nhất đối với mọi lứa tuổi của một xã hội văn minh. Có thể dạy phép lịch sự cho con được không? Dạy như thế nào và bắt đầu từ lứa tuổi nào? Nên chú ý đến những điều gì?
Dạy con biết giao tiếp lịch sự
Dạy con từ sớm: Một số phụ huynh nghĩ rằng chuyện trò với con về các quy tắc, trong đó có quy tắc giao tiếp nên bắt đầu từ 3 tuổi trở lên. Khi đó trẻ đã không chỉ biết lắng nghe người khác nói gì với nó mà còn hiểu và nhận thức được. Tuy nhiên, theo ý kiến của đa số các nhà tâm lý trẻ em thì cần làm điều này sớm hơn thời điểm đó.
Đặt những nền tảng cho sự giao tiếp lịch sự cần được bắt đầu sớm hơn ngay từ thuở trẻ còn nằm trong nôi. Ngay từ khi mới bắt đầu cuộc sống của mình, đứa trẻ cần được nghe những lời có cánh và quen với chúng.
Tuy rằng trẻ chưa biết nói, nhưng khi mà mỗi ngày đối với nó được bắt đầu bằng những lời “chào buổi sáng” hoặc “chào con” và mỗi tối trước khi ngủ với câu “chúc con ngủ ngon, có những giấc mơ đẹp” thì điều đó dần sẽ trở thành thói quen.
Trẻ sẽ quen với phong cách giao tiếp lịch sự cũng như quen với tình yêu thương của người mẹ. Nếu mỗi yêu cầu với trẻ được kèm theo những lời “xin vui lòng” và “cám ơn” hay “xin lỗi” thì nó sẽ bắt đầu tin rằng cần phải như thế mọi lúc và ở mọi nơi. Từ đó, có khả năng khi bé bắt đầu nói chuyện nó sẽ không cảm thấy bị ép buộc mà chúng dùng những từ ngữ lịch sự trong lời nói của mình một cách tự nhiên.
Làm gương cho con: Còn một yếu tố quan trọng nhất-đó là làm gương cho con. Nếu như quy tắc về lịch sự được giảng giải kỹ càng nhưng phong cách giao tiếp của cha mẹ không gương mẫu thì thật lạ lùng, hơn nữa là phản giáo dục khi đòi hỏi trẻ nói chuyện một cách lịch sự nhưng trong gia đình điều đó lại không phải là quy chuẩn.
Khi trẻ nghe thấy cha mẹ giao tiếp với nhau mà họ không nói lời cảm ơn, thường cao giọng trước mặt nhau thì nó sẽ thay đổi hành vi một cách vô thức. Và dĩ nhiên là nó sẽ đối xử như vậy đối với những trẻ khác, với cô giáo trông trẻ, với bạn cùng lớp hoặc thầy giáo trong trường học.
Nếu như đòi hỏi một đứa trẻ nghiêm khắc, chỉ trích và trừng phạt nó khi nó chưa có những thói quen lịch thiệp và sự tôn trọng trong giao tiếp phải có ngay phong cách lịch sự thì rất có thể sẽ làm cho nó bị stress nặng. Để đối phó với tình huống này, trước hết cha mẹ cần chăm sóc tâm lý cho con từng bước một.
Giải thích tình huống hợp lý: Tiếc rằng không phải ai cũng cho rằng tính lịch sự là tiêu chuẩn trong giao tiếp và sớm hay muộn đứa trẻ sẽ phải đối mặt với tình huống khi người lớn hành xử thô bạo.
Lẽ dĩ nhiên là ở trẻ sẽ phát sinh câu hỏi hợp lý đối với cha mẹ: vì sao lại xảy ra điều đó? Tốt nhất là không nên có những đánh giá gay gắt về sự đối xử của người không có giáo dục, đồng thời giải thích cho trẻ rằng không cần phải đánh giá về những người không quen biết.
Nhất thiết phải nhấn mạnh rằng trong xã hội vẫn có cả những người thô lỗ nhưng đó là số ít hơn những người lịch sự và có giáo dục và chắc hẳn rằng họ sẽ phải hổ thẹn vì sự khiếm nhã của mình.
Cần để cho trẻ nhận thức được rằng có các trường hợp ngoại lệ trong những quy tắc này và khẳng định rằng, nếu người nào có bị đối xử thô lỗ thì không nên hạ mình mà phải biết phản ứng lại một cách thông minh và có văn hóa. Cần phải là một người lịch sự ở mọi nơi và đối với tất cả mọi người, đặc biệt là cần xưng hô lễ phép với những người nhiều tuổi hơn mình
Phép lịch sự không phải điều tự nhiên mà có được. Song có thể và cần phải dạy cho con điều đó ngay từ khi chúng còn rất nhỏ.
Dạy con biết cách từ chối
Nhiều người lớn chúng ta cũng không học cách nói “không” với tiêu cực, nhưng đối với trẻ vị thành niên trong thời điểm cần thiết mà không kiên quyết từ chối thì sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều.
Chẳng hạn nên kiên quyết nói không với những cạm bẫy ma tuý, cờ bạc hoặc những hành vi gây tổn thương cho mình. Nhưng đôi khi vẫn cần phải nói lời từ chối cả với những người bạn tốt nếu như lời đề nghị của họ không thỏa đáng. Vậy nên dạy con biết từ chối. Trong trường hợp này nói từ “không” thật không phải là dễ dàng. Sau đây là 7 cách từ chối mà các bậc cha mẹ cần dạy con cái.
Dạy con trước hết nên biết nghĩ về bản thân mình: Thông thường thì trẻ mới lớn nhận thức mình như là một phần của một tập thể hơn là một cá thể. Cần giải thích cho con hiểu rằng khi thể hiện mình như một cá nhân độc lập thì sẽ tránh được khá nhiều điều không hay. Chẳng hạn trong một buổi dạ hội mà mọi người đều uống nhiều, kể cả bạn thân của con muốn con cũng như thế thì có thể trả lời bạn đó: Mình cảm thấy ở đây ngột ngạt và muốn về nhà, nếu bạn muốn thì về sau nhé. Như vậy trong tình huống không mấy dễ chịu thì con bạn vẫn không làm tổn thương đến tình bạn của mình.
Dạy con biết cân nhắc giữa đồng ý và phản đối: Thường xuyên có những lời đề nghị khác nhau đối với trẻ và đa số trẻ mới lớn chưa tự phân tích và lựa chọn được giải pháp đúng. Thí dụ như trẻ sẽ có thể thấy vui khi cho bạn chép bài (cùng lắm chỉ là sự biết ơn của bạn trong chốc lát) nhưng sẽ rất bất lợi khi trẻ bị nghi ngờ về việc này, sẽ bị điểm xấu oan và bị cha mẹ mắng. Tất cả những gì cần làm là hiểu và biết cân nhắc cái lợi và cái hại để từ chối.
Dạy trẻ biết từ chối vì cha mẹ: Để trẻ có cớ từ chối những điều có hại, cha mẹ cũng nên thường xuyên giải thích cho con về những nguyên tắc của mình và điều gì sẽ xảy ra nếu con vi phạm. Chẳng hạn có thể nói với con trai: Nếu bố biết rằng con đã hút thuốc thì con sẽ không được đi chơi với bạn trong suốt một tháng.
Từ đó trẻ sẽ dễ dàng hơn nhiều để có thể nói một cách kiên quyết khi được mời hút: Không, tớ không thể, bố tớ sẽ không bao giờ tha thứ việc này đâu. Người khác sẽ không có lý gì để bắt bẻ được lý do chính đáng này.
Dạy con biết từ chối một cách hài hước: Nếu phải lý giải sự từ chối một cách sợ hãi thì trẻ sẽ gây nên sự bực bội của những người xung quanh. Tuy nhiên, khi biết cách từ chối bằng một câu đùa vui thì sẽ là một cách hay để trẻ vẫn làm chủ được tình thế và mọi người đều cảm thấy thoải mái.
Dạy con biết nói lên ý kiến của mình: Trẻ vị thành niên sẽ tự tin hơn bằng cách nói lên ý kiến của mình hơn là việc phải chịu áp lực của những người xung quanh. Vì vậy cha mẹ hãy dạy cho con biết càng nhiều càng tốt những khả năng để có thể tự khẳng định mình – tự nói lên chính kiến của mình ngay cả trong những tình huống đơn giản nhất.
Dạy con biết sử dụng ngôn ngữ của cơ thể: Nếu trẻ biết ngẩng cao đầu và không nhìn lảng ra chỗ khác khi nói lời từ chối thì câu trả lời của trẻ sẽ có trọng lượng hơn. Hãy cố gắng dạy trẻ lưu ý đến những người luôn biết thể hiện sự tự tin bằng cách phân tích hành vi ứng xử và phong cách của họ khi giao tiếp.
Dạy con biết nói “không” một cách nhất quán: Cha mẹ nên giải thích cho con là nếu khi trẻ đã từ chối mà người khác vẫn cứ nằn nì thì nó hoàn toàn có quyền nhắc lại điều đã nói để cho người đó phải nản. Càng nói không nhiều lần thì nhận thức của trẻ về sự lựa chọn đúng đắn càng rõ rệt hơn.
Tuy nhiên khi dạy con mình về nghệ thuật từ chối thì cha mẹ cũng không được quên rằng mình không được vi phạm những điều đó. Tấm gương của cha mẹ sẽ rất bổ ích, nhất là đối với trẻ ở tuổi mới lớn đang còn nhiều điều bỡ ngỡ khi đang muốn tự khẳng định mình.
(Trích từ nguồn tin: Báo giáo dục và thời đại)