L
Bài học dạy con cảm ơn và từ chối luôn song hành trong quá trình nuôi dạy một đứa trẻ. Thậm chí, từ chối còn khó hơn rất nhiều so với cảm ơn.
Ngay cả đối với nhiều người lớn, việc nói “không” cũng là một kỹ năng không hề đơn giản.
Trong thực tế nuôi dạy con, trẻ cần hiểu rằng, nếu không đáp ứng được yêu cầu, đề nghị của ai đó, chúng phải hiểu là cần từ chối.
Tự bảo vệ bản thân
Khi nào trẻ cần từ chối và từ chối như thế nào là một vấn đề quan trọng thường gặp trong cuộc sống. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng chú ý đến. Trong khi đó, dạy con biết từ chối chính là cách cha mẹ giúp con tránh rơi vào những tình huống khó xử hay nguy hiểm.
Thực tế, không có khuôn mẫu nào nhất định cho việc dạy trẻ từ chối. Tuy nhiên, có một số nguyên tắc cơ bản mà cha mẹ nên đưa ra cho trẻ. Từ đó, giúp trẻ có thể từ chối mà không làm phật lòng người đề nghị.
Ngoài vấn đề giáo dục nhân cách và đạo đức cho trẻ thông qua việc dạy con cách từ chối, thì những nguyên tắc này còn giúp trẻ tự tin hơn. Đồng thời, xây dựng cho trẻ kỹ năng biết từ chối những yêu cầu của người lạ. Đây là một yếu tố đảm bảo sự an toàn cho trẻ khi không có cha mẹ hay người lớn bên cạnh.
Một trong những phương pháp tốt nhất để bảo vệ trẻ khỏi bị lợi dụng, bắt nạt hay lạm dụng tình dục là dạy con biết nói “không”. Khả năng này bao gồm hiểu được nhu cầu, trân trọng bản thân, biết cách từ chối làm những điều không muốn. Từ đó, trẻ có thể tự bảo vệ thân thể và quyền lợi của mình.
“Hôm qua đi chợ, tôi có tình cờ gặp cô bạn thân. Cô ấy kể rằng, tuần trước có gặp cu Ben – con trai tôi ở cổng trường. Dù muốn mua cho cu cậu đồ ăn vặt, nhưng Ben nhất định từ chối. Cô ấy hỏi tôi có dạy Ben không, mà cu cậu còn bé đã biết cách từ chối rất khéo léo, không hề khiến cho đối phương cảm thấy mất lòng. Thực ra, tôi đã dạy con cách từ chối nhận đồ của người lạ từ khi bé còn nhỏ”, chị Hoàng Minh Trang – một phụ huynh tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ.
Theo nữ phụ huynh này, dạy con biết từ chối là điều cần thiết. Tuy nhiên, từ chối như thế nào cho khéo còn đóng vai trò quan trọng hơn.
“Không phải cứ không thích là khăng khăng nhất định nói ‘không’ một cách gay gắt. Như vậy, người đối diện sẽ có cảm giác không thoải mái”, chị Trang nhận định.
Theo các chuyên gia, khi biết được lợi ích của việc từ chối đúng nơi, đúng lúc, đúng thời điểm, chúng ta sẽ thấy kỹ năng này vô cùng quan trọng. Đây gần như là một kỹ năng sống cần phải có ở mỗi người.
Ở người lớn, khi biết từ chối đúng cách, chúng ta sẽ có thể bảo vệ quyền lợi, có nhiều thời gian cho bản thân để làm những việc mình thích. Đồng thời, chúng ta cũng sẽ có nhiều thời gian để nghỉ ngơi, đi chơi với bạn bè, hoặc dành thời gian cho người thân của mình.
Đôi khi, việc làm quá nhiều công việc cùng lúc sẽ khiến chúng ta trở nên quá tải, khó chịu. Vì vậy, việc từ chối khéo léo là cách để chúng ta có nhiều thời gian nghỉ ngơi, giúp đầu óc thoải mái; tập trung vào những mục tiêu, giá trị của bản thân. Bởi, biết cách từ chối tinh tế, thông minh sẽ giúp giá trị bản thân của bạn tăng lên. Khi đó, người khác sẽ tôn trọng chúng ta hơn thay vì nghĩ mình là người dễ bị sai vặt.
Phương pháp giáo dục không nhận phản hồi
Theo ThS khoa học giáo dục, chuyên gia trị liệu tâm trí Nguyễn Thị Lanh – Học viện Minh Trí Thành, ngay từ bé, chúng ta thường được dạy phải nghe lời. Khi trẻ có ý kiến phản hồi trái lời người lớn, bé sẽ bị nói là không ngoan, hư. Hầu hết gia đình đều yêu cầu trẻ phản hồi bằng cách nói vâng, dạ, cúi đầu, chấp nhận làm theo, nghe lời một cách gượng ép.
Trong khi đó, việc dạy dỗ trẻ từ môi trường gia đình cho đến nhà trường hầu hết là theo một chiều. Có nghĩa là, trong gia đình, chỉ bố mẹ nói, các con không có quyền làm trái. Hoặc, khi ở trường, chỉ thầy cô nói, nếu muốn hỏi gì, trẻ phải giơ tay. Tại lớp, rất ít khi trẻ đặt câu hỏi.
“Từ món ăn, cha mẹ cũng gắp cho con, cho đến yêu cầu trẻ mặc bộ quần áo này, bộ quần áo kia… Mọi thứ đều làm theo cách của mẹ, làm như thế này này… Đó là cách giáo dục theo chiều hướng áp đặt một chiều, không nhận phản hồi, con cứ thế làm theo. Đến khi con trưởng thành, điều đó trở thành tính cách của con, không thể thay đổi”, nữ chuyên gia cho biết.
Thực tế, nhiều trẻ cá tính dù nói vâng nhưng không làm theo, khiến bố mẹ bực. Những đứa trẻ này bên trong có sự kháng cự. Song, hầu hết bố mẹ không biết điều đó. Cách giáo dục áp đặt một chiều như vậy sẽ khiến trẻ không biết nói “không”.
Nhiều trẻ thường xuyên bị bố mẹ bắt ăn, dù không muốn hoặc đã no nhưng vẫn phải cố. Hoặc, trẻ phải làm những điều bản thân không muốn. Từ đó, dần dần, trẻ trở thành những người không biết phản kháng.
“Nếu không phản hồi bằng lời nói, sự trao đổi, trẻ sẽ phản hồi bằng thái độ cáu kỉnh, bực bội. Do đó, cha mẹ cần dạy trẻ biết nói ‘không’. Khi cảm thấy không thoải mái, không như ý, con có thể nói ‘không’. Cha mẹ cần đặt câu hỏi rằng, sự lựa chọn, suy nghĩ của con ở đây là gì? Theo con, cái đó sẽ như thế nào? Khi đó, trẻ có cơ hội bày tỏ quan điểm, suy nghĩ, cảm xúc và hoàn toàn có thể nói ‘không’”, chuyên gia Nguyễn Thị Lanh cho biết.
Nếu sau này không biết nói ‘không’, trẻ sẽ có thói quen cảm thấy ái ngại khi từ chối ai đó. Tuy nhiên, thực tế, trẻ cần hiểu rằng, nếu không đáp ứng được yêu cầu, đề nghị của ai đó, chúng ta cần từ chối. Nhiều trẻ lúc nào cũng đặt cái ngại lên hàng đầu vì không được dạy nói ‘không’ từ bé. Do đó, cha mẹ cần giúp trẻ giao tiếp có sự phản hồi.
Cha mẹ có thể hỏi những câu như: “Con có ý kiến gì không? Mẹ có thể hỗ trợ con thế nào? Con cứ nói quan điểm”. Mối quan hệ có sự phản hồi mới có thể bền vững. Trái lại, không có mối quan hệ một chiều nào có thể duy trì lâu dài.
Từ chối một cách lịch sự
Trong khi đó, nhà nghiên cứu tâm lý giáo dục Lê Đặng Minh Nhật – Công ty Tiềm năng vô hạn UPO cho biết, khi đến độ tuổi đi học, trẻ sẽ phải giao tiếp với rất nhiều người, kể cả kẻ xấu hay người tốt. Do đó, việc có kỹ năng từ chối người khác là điều quan trọng cha mẹ cần dạy con ngay từ nhỏ.
Cảm ơn trước khi từ chối là một trong những cách đơn giản và lịch sự giúp trẻ cảm thấy tự tin hơn khi nói “không”.
Do đó, cha mẹ có thể giúp trẻ tập nói: “Cảm ơn bạn đã hỏi nhưng tôi không muốn” hoặc “Cảm ơn bạn đã mời nhưng tôi không thể tham gia”. Việc này sẽ giúp trẻ biết cách từ chối lịch sự và tôn trọng người khác.
Ngoài ra, sự lễ phép là một yếu tố quan trọng trong việc rèn luyện kỹ năng từ chối cho con. Do đó, phụ huynh cần dạy con từ chối một cách lịch sự và tôn trọng người khác. Điều này giúp trẻ xây dựng được các mối quan hệ tốt hơn với bạn bè, gia đình và xã hội.
Để rèn luyện kỹ năng này cho con, cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ sử dụng những câu từ lịch sự khi từ chối. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần dạy con tôn trọng người khác bằng cách cảm ơn và trân trọng món quà mà trẻ nhận được. Thường xuyên nhắc nhở con rằng, không phải món quà nào cũng hoàn hảo và quan trọng là ý nghĩa của món quà đối với người tặng. Đồng thời, giúp trẻ biết rằng, việc được nhận quà là một điều đáng mừng.
“Dạy con từ chối một cách kiên quyết là kỹ năng quan trọng bố mẹ cần dạy cho con từ nhỏ. Trước tiên, bố mẹ cần giải thích cho con rõ ràng về lý do, hoàn cảnh nào cần từ chối kiên quyết việc đó. Ví dụ, trong các trường hợp: Người lạ bảo đi theo, bạn bè dụ dỗ lấy trộm đồ của người khác…
Trong trường hợp nếu con cảm thấy bị ép buộc, bố mẹ hãy cho trẻ biết rằng, từ chối là quyền của mỗi người và không có gì sai trong việc từ chối, không cần phải giải thích, đưa lý do nhiều”, chuyên gia Minh Nhật chia sẻ.
Khi hiểu được lý do tại sao nên từ chối, trẻ sẽ giao tiếp tốt hơn và biết cách bảo vệ bản thân trong nhiều tình huống. Khi giải thích cho con, bố mẹ cần sử dụng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu và thực tế.
Ví dụ, hãy nói rằng: “Nếu không thích làm việc đó, con có quyền từ chối và không cần phải thực hiện”. Hãy khuyến khích con nói thật cảm xúc của mình khi từ chối. Trẻ nên thể hiện cảm xúc của mình một cách lịch sự, nhưng không cần giấu giếm hay nói dối.
(Trích từ nguồn tin Báo giáo dục & thời đại)